Inspirational journeys

Follow the stories of academics and their research expeditions

Bí quyết cân bằng cuộc sống cho sinh viên thực tập

Habit Academy

Thu, 31 Oct 2024

Bí quyết cân bằng cuộc sống cho sinh viên thực tập

Bạn là sinh viên năm cuối, cảm thấy khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Cơm áo gạo tiền, việc học và thực tập đan xen khiến bạn mất phương hướng. Nhiều khi bạn thấy mình có rất nhiều việc phải làm nhưng lại chẳng biết mình bận việc gì? Có lẽ thuyết Bốn Lò Lửa sẽ giúp bạn.

Bạn còn nhớ cái bếp ga ngày xưa chứ? Bốn bếp tức bốn lò, bạn có thể bật lò này, tắt lò kia, điều chỉnh lửa to nhỏ cho từng lò. Đó chính là cơ chế của thuyết Bốn Lò Lửa. Bạn có thể đọc thêm về thuyết này ngay tại đây. Nhưng hôm nay, chúng ta hãy cùng xem cách một sinh viên năm cuối – chị A, cân bằng bốn lò lửa của mình như thế nào nhé.

Tình huống của chị A

Chị A là sinh viên năm cuối, vừa học vừa thực tập tại một công ty lớn. Một tháng, chị về quê hai lần, nhưng không thể dành nhiều thời gian cho gia đình vì công việc và học tập quá bận rộn. Bạn bè của chị A cũng đang trong giai đoạn đi làm và thực tập, nên khó tụ họp đầy đủ. Sức khỏe của chị A giảm sút do công việc bận rộn và ăn uống thiếu điều độ, không còn thời gian để chăm sóc bản thân.

Hằng ngày, chị A cảm thấy luôn có nhiều việc phải làm nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Cứ như vậy, thời gian trôi qua và chị không thể hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Chị A cảm thấy mất cân bằng và không biết làm thế nào để cải thiện tình hình. Nên giờ khi thì chị lo đầu này, tắt bếp đầu kia, nhiều khi tắt để quên thành ra nguội luôn. Lửa hết chạy từ mức 5 xuống thẳng mức 1 rồi chạy từ 1 lên 5. Bạn có thấy tình cảnh trên quen thuộc không? Hay bếp lò của bạn khác? Bạn hãy thử điều chỉnh lửa bếp lò của chính mình thông qua bài khảo sát dưới đây thử nhé.

Còn đây là cách chị A giải quyết với Bốn Lò Lửa

- Xác định ưu tiên: Bước 1 là đặt ra những mục tiêu cụ thể cho từng lò và ưu tiên những gì quan trọng nhất. Đối với chị A, ưu tiên hàng đầu là công việc thực tập, vì đây là cơ hội để xây dựng sự nghiệp và có chỗ đứng trong thành phố. Sức khỏe được đặt ở vị trí thứ hai vì cần có thể lực tốt để làm việc hiệu quả. Bạn bè và gia đình được ưu tiên thấp hơn do hoàn cảnh và nhờ có sự cảm thông từ người thân. Nên chị A đã chọn:

Bốn-lò-lửa-của-chị-A

- Lập kế hoạch và tổ chức thời gian: Tiếp đến, chị A có một cuốn sổ nho nhỏ với phần lịch để lên kế hoạch chi tiết, đánh dấu bằng bút màu riêng cho từng bếp lò. Cụ thể, chị dành khoảng 8 tiếng mỗi ngày cho công việc thực tập, 1-2 tiếng cho việc tập thể dục và 2-3 tiếng để gặp gỡ bạn bè cuối tuần, không quên dành ra một cuối tuần để về với gia đình mỗi tháng.

- Đặt giới hạn và từ chối: Để theo thời gian biểu trên, chị A không thể không học cách từ chối những yêu cầu không cần thiết để bảo vệ thời gian cho các bếp lò khác. Ví dụ, chị từ chối những cuộc hẹn không quan trọng khi công ty đang bận rộn hoặc không tham gia các buổi tụ tập khuya nếu chúng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu không rõ cách từ chối sao cho khéo, bạn có thể tham khảo bài Nghệ thuật ứng xử: Làm sao để từ chối mà vẫn giữ mối quan hệ tốt đẹp?

- Đa nhiệm thông minh: Để tránh quá tải, chị chia công việc thành từng phần nhỏ và hoàn thành lần lượt. Sử dụng các công cụ quản lý thời gian như ứng dụng Pomodoro cũng phần nào giúp chị tối ưu hóa sự tập trung và nghỉ ngơi hợp lý hơn. Việc này không chỉ đảm bảo năng suất cao mà còn giúp duy trì năng lượng và tinh thần trong suốt quá trình làm việc. Tất nhiên, chị không buộc mình phải vào khuôn khổ 25 phút nào cả mà tập trung vào sự cân đối giữa cảm xúc và thời gian hơn, bí quyết nằm ở mấy người bạn Inside Out đây.

- Chăm sóc bản thân: Nói về phần này, chị A cho biết: "Để duy trì sức khỏe, chị bắt đầu ngày mới bằng việc chạy bộ khoảng 30 phút quanh công viên gần nhà. Buổi trưa, chị chú ý đến việc ăn uống cân đối với các món giàu dinh dưỡng như salad, ức gà và trái cây. Buổi tối, sau khi hoàn thành công việc thì chị sẽ thư giãn bằng cách đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ, giúp giảm căng thẳng và chuẩn bị tâm lý tốt cho ngày làm việc tiếp theo."

- Tìm kiếm sự linh hoạt: Cuối cùng, chị A luôn sẵn sàng điều chỉnh kế hoạch khi cần thiết để duy trì sự cân bằng giữa các lò lửa. Ví dụ, nếu có dự án đột xuất cần hoàn thành gấp, chị sẽ linh hoạt thay đổi lịch trình để không làm ảnh hưởng đến các mục tiêu khác. Nếu sức khỏe có dấu hiệu giảm sút, chị ưu tiên thời gian nghỉ ngơi và tập luyện thể dục để hồi phục. Chị cũng thường xuyên xem xét và cập nhật lịch trình hàng tuần để đảm bảo mọi thứ luôn đi đúng hướng và không bị lỡ nhịp.

Bếp-ga-của-bạn

Kết

Chị A chia sẻ: "Áp dụng thuyết này, chị cảm thấy cuộc sống cân bằng hơn và hiệu quả hơn. Dù đối mặt với nhiều thách thức trong công việc và học tập, chị vẫn có thể dành thời gian cho bản thân, gia đình và bạn bè. Việc lập kế hoạch và điều chỉnh linh hoạt giúp chị không bị quá tải và luôn đạt được mục tiêu đề ra. Chị thực sự khuyến khích mọi người thử áp dụng thuyết này để cảm nhận sự khác biệt."

Vậy đó, giờ chắc bạn đã hiểu hơn về thuyết bốn lò lửa và cách thuyết giúp chúng ta nhận ra tầm quan trọng của việc cân bằng cuộc sống rồi chứ? Chị A (một nhân viên tại ihabital) đã áp dụng thành công, còn bạn thì sao? Hãy thử chia sẻ suy nghĩ của bạn với chúng tôi bên dưới nhé!

0 Comments

Leave a comment