Inspirational journeys

Follow the stories of academics and their research expeditions

Ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 trong thời đại mới

Habit Academy

Thu, 21 Nov 2024

Ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc khánh Việt Nam 2/9 trong thời đại mới

Ngày 2/9/1945 là một dấu mốc lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, chính thức khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Đây không chỉ là ngày đánh dấu sự ra đời của một quốc gia độc lập mà còn là minh chứng cho tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất và sự kiên trì đấu tranh giành tự do của toàn thể dân tộc ta.

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, những nỗ lực, hi sinh và lòng dũng cảm của nhân dân Việt Nam ta đã biến ước mơ độc lập thành hiện thực. Và bản Tuyên ngôn Độc lập chính là lời khẳng định về quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam với toàn thể thế giới. Cũng là lời kêu gọi toàn dân đoàn kết, quyết chí bảo vệ nền tự do mà biết bao thế hệ đã phải đổ máu mới có được.

1. Sơ lược về bản Tuyên ngôn Độc lập

1.1 Nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập

Mở đầu bằng việc trích dẫn các nguyên lý cơ bản từ Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ vào năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1789: "Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc."

Từ đó, Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam đã khẳng định rằng những giá trị kia là quyền thiêng liêng không chỉ của người dân Hoa Kỳ hay Pháp, mà là của tất cả các dân tộc trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam. Đây là một lời tuyên bố vô cùng đanh thép và vững chắc, bởi nó không chỉ thể hiện sự kế thừa từ các bản tuyên ngôn nổi tiếng, mà còn đặt Việt Nam ngang hàng với các quốc gia độc lập trên thế giới, bác bỏ mọi luận điệu thực dân cho rằng Việt Nam không có quyền tự do và độc lập.

Và rồi, trong phần chính của bản Tuyên ngôn, Bác Hồ đã nêu lên tội ác của thực dân Pháp trong suốt hơn 80 năm đô hộ nước ta, đặc biệt là trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ hai, khi thực dân Pháp cấu kết với phát xít Nhật đàn áp, bóc lột và gây bao khổ đau cho nhân dân Việt Nam. Bằng cách thẳng thừng tố cáo sự bất công của lũ thực dân chúng trước cả thế giới, bản Tuyên ngôn cũng đồng thời chứng minh rằng việc nhân dân Việt Nam ta đã đứng lên giành lấy quyền tự do, độc lập của mình là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp.

Cuối cùng, bản Tuyên ngôn Độc lập đã tuyên bố trước toàn thế giới rằng: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy." Đây là lời thề sắt son của dân tộc Việt Nam ta, khẳng định quyết tâm bảo vệ và gìn giữ nền độc lập mà cả dân tộc đã phải trải qua bao đau thương mới giành được.

1.2 Bản Tuyên ngôn Độc lập và ngày 2/9 có ý nghĩa như thế nào?

Bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc ngày 2/9/1945 không chỉ khẳng định quyền con người và quyền tự do, độc lập của dân tộc Việt Nam, mà còn thể hiện tinh thần kiên định và đấu tranh không khuất phục trước kẻ thù, đánh dấu sự ra đời của nhà nước Việt Nam mới.

Có lẽ bạn chưa biết

Bí mật: Có 3 câu trả lời đúng và mỗi câu 5 điểm nha

Ban đầu, ngày 2/9 chưa được gọi là ngày Quốc khánh Việt Nam mà chỉ được biết đến như ngày "Việt Nam độc lập", còn ngày 19/8 (Cách mạng Tháng Tám bây giờ) mới là ngày Quốc khánh. Mãi đến sau này, Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 mới ghi tại điều 145 quy định lại: "Ngày tuyên ngôn độc lập 2-9-1945 là ngày Quốc khánh". Từ đó, ngày 2/9 chính thức trở thành ngày lễ lớn toàn quốc với nhiều hoạt động kỷ niệm trang nghiêm, như tái hiện nghi thức kéo cờ tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

2. Bài học từ bản Tuyên ngôn Độc lập - Lời nhắc nhở sâu sắc cho thế hệ trẻ hôm nay

Là minh chứng cho sự kiên trì và bền bỉ của dân tộc Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành lại tự do, khi nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn, tôi không khỏi rúng động và thổn thức. Nhìn lại quá khứ, thế hệ trẻ hôm nay có thể thấy rằng không có điều gì lớn lao đạt được mà không trải qua gian khó. Hãy nhớ rằng, ông cha ta đã kiên trì đấu tranh suốt hàng chục năm, không lùi bước trước mọi hiểm nguy, để mang lại độc lập cho đất nước. Từ đó, ta có thể rút ra rằng khi nhắc đến Tuyên ngôn Độc lập, ta không chỉ nói về một văn kiện lịch sử, mà còn đang nhìn vào ba bài học thực tế mà mỗi chúng ta có thể áp dụng ngay vào cuộc sống.

2.1 Ý chí quyết tâm

Bây giờ thế hệ trẻ chúng ta đang phải đối mặt với vô vàn thách thức thường trực trong học tập và công việc, như sự cạnh tranh khốc liệt và áp lực từ việc làm chủ công nghệ mới. Chẳng hạn, khi đối diện với sự xâm lăng của AI trong nhiều ngành nghề, nhiều người chúng ta lo ngại rằng liệu mình có bị thay thế hay không. Tuy nhiên, giống như ông cha ta đã kiên trì trong cuộc chiến giành độc lập, bạn cũng có thể vượt qua thách thức này bằng cách kiên trì học hỏi và thích nghi với những công nghệ mới đó.

Nếu đầu hàng trước khó khăn thì biết bao giờ chúng ta mới nhìn thấy ánh sáng của chiến thắng. Thay vì lo ngại, hãy chuyển đó thành động lực, tiến lên đối đầu trực tiếp, học hỏi thêm về AI và trở thành người làm chủ chúng. Từ đó, bạn sẽ không chỉ có thể giữ vững vị trí của mình mà còn mở ra nhiều cơ hội mới. Hãy nhớ rằng rằng, với ý chí quyết tâm và sự kiên trì, bất kỳ ai cũng có thể vượt qua những thách thức tưởng chừng như khó khăn nhất.

|| Đọc thêm: AI và Marketing 6.0: Chiến Lược Để Marketer Tiến Lên Trong Thời Đại Số

2.2 Bền gan vững chí

"Chẳng có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền."

- Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quyết tâm chỉ là một phần, quan trọng hơn cả là bạn giữ được lòng quyết tâm của mình trong bao lâu. Ở quá khứ, Pháp Nhật đô hộ chúng ta trước sau hơn cả 80 năm, gần như một đời người! Nhưng cha ông ta vẫn vượt qua, vẫn giành được độc lập, vậy cớ gì chúng ta lại không thể học hỏi họ?

Trong cuộc sống hiện đại, chắc chắn có không ít lần chúng ta gặp phải những khó khăn khiến bản thân muốn từ bỏ. Một ví dụ điển hình là những lần khởi nghiệp thất bại, khi mà tài chính cạn kiệt và hy vọng dường như tan biến. Nhưng chính trong những khoảnh khắc đó, việc giữ vững lòng bền bỉ và tiếp tục theo đuổi mục tiêu mới là điều quan trọng nhất. Đây không phải câu chuyện thất bại là mẹ thành công, quan trọng là bạn có đứng dậy được hay không. Vậy bạn có đứng dậy được hay không? Khó khăn sẽ quật ngã bạn chứ?

2.3 Tinh thần đấu tranh không ngừng nghỉ

Nghe thì giống hai bài học ở trên, nhưng đây lại là giai đoạn kế bạn cần phải chú ý. Nếu ở trên bạn đã đứng dậy được rồi, vậy bạn đứng dậy thế nào? Bạn biết con lật đật chứ? Một khi vấp ngã, nó sẽ nhanh chóng bật dậy, cực kỳ mạnh mẽ. Đó chính là quyết tâm ta cần phải học. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong Tuyên ngôn Độc lập: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Đó là một lời tuyên bố thể hiện tinh thần quyết tâm không lùi bước trước mọi khó khăn, thử thách, là lời khẳng định dân tộc Việt Nam ta sẽ không bao giờ đầu hàng, những khó khăn sẽ chỉ làm chúng ta càng thêm quyết tâm phấn đấu.

Và thật vậy, trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi giãn cách xã hội khiến cuộc sống bị đảo lộn, nhiều bạn trẻ đã không ngừng vươn lên bằng cách học thêm các kỹ năng số và tham gia các khóa học trực tuyến để phát triển bản thân. Thay vì chấp nhận khó khăn, họ đã chọn cách chủ động đấu tranh, bật dậy trước nghịch cảnh. Điều này minh chứng rõ ràng rằng, tinh thần kiên cường và sự không ngừng học hỏi chính là chìa khóa giúp vượt qua những thách thức hiện tại và đạt được những thành công lớn hơn trong tương lai.

Lật đật

3. Kết lại

Ngày 2/9/1945 không chỉ là một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mà còn là nguồn cảm hứng bất tận về tinh thần yêu nước, sự kiên trì và ý chí đấu tranh không ngừng nghỉ của dân tộc Việt Nam. Những bài học rút ra từ bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ là lý thuyết xa vời mà chính là kim chỉ nam, giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu rõ giá trị của sự đoàn kết, bền bỉ và quyết tâm trong mọi hoàn cảnh.

Hãy luôn ghi nhớ rằng, sự kiên trì, bền bỉ và tinh thần quyết tâm không bao giờ từ bỏ chính là những yếu tố quan trọng nhất để vượt qua mọi khó khăn và đạt được thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Tinh thần ấy vẫn mãi là ngọn lửa soi đường, dẫn lối cho mỗi bước đi của chúng ta, giúp chúng ta không chỉ bảo vệ và phát huy những giá trị mà cha ông đã gây dựng mà còn xây dựng một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước.

|| Đọc thêm: Làm sao để xây dựng thói quen bền bỉ trong 21 ngày

0 Comments

Leave a comment